Xem thêm video "Hướng dẫn làm món mì Quảng - đặc sản Quảng Nam"
Cũng như phở, bún hay hủ tiếu, mì Quảng cũng được chế biến từ gạo nhưng lại có sắc thái và hương vị riêng đặc biệt. Bắt đầu từ khâu chọn gạo cho đến nước nhưng và các loại gia vị, phụ liệu khác đều rất đặc trưng. Gạo là loại không dẻo, hàm lượng bột cao nhưng phải đảm bảo độ kết dính, được ngâm ít nhất trong vòng 1 tiếng, sau đó cho vào cối xay mịn, tráng thành những lá mì mỏng, xếp chống lên nhau và thái sợi. Để những sợi mì không dính, phải dùng dầu phụng (hày còn gọi là dầu lạc) phi với củ nén đập dập chín thơm thoa lên bề mặt của bánh.
Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng. Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Tôm sau khi lấy đầu, làm sạch để nguyên con thì được ướp cùng với thịt, một ít tôm được giã nát để cho vào nước tạo vị ngọt tự nhiên. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít khi dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng.
Trong khi giữ nóng nước nhưng thì người chế biến chuẩn bị rau và các loại phụ liệu khác. Rau dùng cho Mì Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau Trà Quế gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh (chứ không phải loại quế cọng đỏ dùng cho phở), xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ.
Nếu là mì gà hoặc mì cá lóc, thì nguyên liệu phải được thái vừa phải, tách xương riêng để nấu nước dùng, ướp thịt và nấu như mì truyền thống. Gà phải là loại gà ta, nuôi thả, cá lóc phải là loại cá sống trong môi trường tự nhiên, tất cả làm xong là chế biến ngay để đảm bảo độ tươi, ngọt của nguyên liệu.
Trình bày của Mì Quảng cũng có nét riêng biệt. Đầu tiên cho vào tô là rau sống với đủ loại rau như trên, tiếp đến là mì sợi và chang nước nhưng, sau đó cho hành và ngò lá xanh, đậu phụng rải đều, bánh tráng và 1 quả ớt xanh kèm với 1 lát chanh mỏng. Không như phở, nước nhưng mì có độ đậm đặc của tôm giã nhuyễn và những nguyên liệu đặc trưng vừa đủ độ béo, đậm và ngọt, vì vậy lượng nước chang cho mì rất ít, không bao giờ ngập lên sợi mì, bố cục đẹp mắt…
Để một tô Mì Quảng đúng chất và ngon, phải theo quy trình chế biến từ lá Mì cho đến khâu chế biến, cũng như các loại gia vị đi kèm, và phải dùng lúc còn nóng…
Mì Quảng là một món ăn đặc sản ngon và phổ biến bậc nhất ở Quảng Nam. Xét về tính đại chúng (trong phạm vi cộng đồng của nó), có lẽ mì Quảng đứng hàng đầu trên thế giới. Không một khu phố, làng mạc, chợ búa, ngóc ngách nào ở Quảng Nam là không bán mì Quảng. Nhưng có một điều đặc biệt là: có thể có người Bắc suốt đời chưa từng nấu phở, có thể có người Nam từ bé tới giờ chưa từng nấu hủ tiếu, nhưng chắc chắn chưa có người Quảng nào chưa từng nấu mì Quảng tại gia. Có thể người nấu ngon, người nấu chưa ngon, song với người Quảng, điều đó mặc nhiên đúng.
Chỉ cần ra ngoài chợ mua vài lá mì, ít rau sống, ít tôm thịt, miếng bánh tráng, rang thêm lên mấy hột đậu phộng là có ngay một tô mì Quảng nóng hổi và thơm phức cho cả nhà xì xụp. Mì Quảng là món ăn bình dân nhất, dễ nấu bậc nhất; bởi nó được xem là món ăn thích nghi với mọi hoàn cảnh, điều kiện khác nhau. Có lẽ vì vậy mà “nhưng” mì Quảng ngày càng đa dạng về nguyên liệu hơn. Thông thường thì nhưng tôm thịt heo, nhưng lúc tìm không ra thịt heo, thì người miền biển bắt cua, bắt cá, người miền núi bắt gà và bắt vịt làm nhưng ăn vẫn thấy ngon, vẫn ra hương vị mì Quảng. Mì Quảng là một món ăn của người bình dân, vì vậy không khép mình vào những đòi hỏi khắt khe như những món ăn dành cho giới thượng lưu. Và chính nhờ vậy, mì Quảng có một sức sống mạnh mẽ, nó tồn tại và phổ biến ở mọi thủy thổ…
Mì Quảng bây giờ đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc và trở thành món ăn yêu thích đặc trưng của cả miền Trung chính là vì vậy, và đã trở thành món ngon không thể bỏ lỡ nếu một lần nếm thử. Giữa thủ đô hay các thành phố lớn, Mì Quảng với những đặc trưng của mình đã trở thành món ăn có mặt ở khắp nơi và cũng đã có những biến tấu khác nhau. Song khi rời khỏi vùng đất sinh ra nó, Mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa, mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất, là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam…
Hướng dẫn làm món mì Quảng - đặc sản Quảng Nam
Nguyên liệu
- 400g mì Quảng tráng sẵn
- 500 g sườn non
- 200 g tôm tươi
- 500 gam xương heo:
- 4 quả trứng gà
- 200g lạc rang giã nhỏ.
- 2 cái bánh đa
- 2 củ hành tím
- 2 củ tỏi
- Rau các loại: xà lách, rau thơm, húng lủi, rau muống chẻ, bắp chuối, giá đỗ, chanh ớt… tùy khẩu vị.
- Gia vị: hạt tiêu, muối, hạt nêm, đường, nước mắm, dầu ăn, dầu màu điều…
Sơ chế
- Tỏi, hành tím bóc vỏ, đập dập, băm nhuyễn
- Xương heo rửa sạch, đun nước sôi rồi trần xương qua cho sạch cho sạch, còn phần sườn non ta chặt miếng vừa ăn, rửa sạch rồi cũng trần qua cho hết các chất bẩn. Ướp sườn với 1 thìa muối, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa café hạt tiêu, 1 thìa hành tỏi băm.
- Tôm rửa sạch bóc vỏ, rút chỉ đen trên lưng, rửa sạch. Ướp với 1thìa hạt nêm, 1 thìa café hạt tiêu, 1 thìa hành tỏi băm. Để tôm và sườn ướp trong 20 phút.
- Bắp chuối thái mỏng, rau sống nhặt sạch ngâm với nước muối pha loãng. Các loại rau sống nhặt sạch, rửa sạch rồi ngâm với nước muối loãng trong 20 phút rồi vớt ra để ráo.
- Trứng gà luộc chín, bóc vỏ, thái làm đôi.
Cách làm món mì Quảng sườn heo:
Bước 1: Cho xương heo vào nồi hầm với 1 lít nước để lấy nước dùng. Nêm 2 thìa muối, 1 thìa hạt nêm, 1 thìa đường, 1 thìa café hạt tiêu, sau đó thêm dầu hạt điều tạo nên chất nước sánh và lên màu cho đẹp mắt.
Bước 2: Đun nóng 2 thìa dầu, cho chỗ tỏi và hành băm còn lại vào phi thơm. Cho sườn vào rang trong lửa nhỏ, đảo đều tay, chú ý cho đượm dầu ăn, nêm thêm 1 thìa café nước mắm. Khi ăn thử thấy miếng sườn non vừa chín tới là được.
Bước 3: Trút sườn ra đĩa, cho tôm vào xào luôn, đảo đều tay cho tôm ngấm gia vị, đến ki thấy tôm dậy mùi thơm thì tắt bếp, trút ra bát.
Bước 4: Đun nước sôi, trần mì Quảng sơ qua để đảm bảo an toàn, rồi bỏ vào bát tô. Bày lên trên đó hai miếng sườn, hai con tôm, 2 nửa trứng gà luộc. Sau đó thêm phần rau sống ( bắt chuối thái mỏng, rau cải non, giá đỗ…), rắc thêm phần lạc rang lên trên. Sau cùng là chan một muôi nước dùng sâm sấp sợi mì.
Bước 5: Dọn thêm một đĩa rau sống ăn kèm, ớt tươi thái nhỏ, chanh, nước mắm, bánh đa nướng… Khi ăn bóp bánh tráng vào tô, trộn đều hoặc để bánh tráng ở ngoài cắn từng miếng.
Khi chọn mua tôm để làm mì Quảng, lưu ý chọn tôm tươi ngon, phần thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu tôm dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.
Chọn mua sườn nên chọn miếng sườn có xương dẹp và nhỏ, có màu hồng nhạt, không có mùi ôi thui và khi ấn vào thịt sườn ta thấy mặt sườn khô và vẫn còn giữ được độ đàn hồi.
Nồi nước dùng là thành phần quan trọng tạo nên hương vị đậm đà của tô mì Quảng, vì vậy cần chú ý nêm nếm kỹ lưỡng để tô mì có hương vị thơm ngon. Khi chan nước dùng không chan ngập phần mì, chỉ cần chan ướt mì là đủ.
Các bạn có thể mua mì Quảng tại các cửa hàng bán sợi bún, phở. Sợi mì có màu vàng nghệ, dẻo bùi hoặc màu tím than nếu làm từ gạo lức.
Xem thêm slideshare "Hướng dẫn làm món mì Quảng - đặc sản Quảng Nam"
Xem thêm infographic "How much poison is in your food?"
How much poison is in your food?
Nguồn: http://yeu360.com/gioi-thieu-mon-mi-quang-cho-nhung-ai-yeu-dac-san-ngon-quang-nam-765.html