Từ thành phố Nha Trang, đường 23 tháng 10 chạy ngược về hướng Tây chừng 10 km, gặp đường Quốc lộ 1A tại ngã ba Thành, rẽ về hướng Tây Bắc 500 mét, ta đến địa phận khóm Đông Môn, thị trấn Diên Khánh (trước gọi là thôn Khánh Thành, xã Diên Toàn và xưa kia là thôn Phú Mỹ và Trường Thạnh, Phủ Diên Ninh). Vùng đất xanh um cây trái này đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử, lưu lại trong lòng người nhiều giai thoại khó quên. Nổi bật nhất là Thành cổ Diên Khánh.
Theo các thư tịch cổ, năm 1653 chúa Nguyễn Phúc Tần sai Cai cơ Hùng Lục Hầu cầm quân, mang quân đi đánh Chiêm Thành, chiếm được đất Kau thara, lập nên dinh Thái Khang (gồm hai phủ Thái Khang và Diên Ninh). Nhận thấy đất này liền núi, cạnh sông gần biển, chuá Nguyễn cho thiết lập đồn luỹ để tăng cường phòng thủ. Năm 1690, dinh Thái Khang đổi tên là dinh Bình Khang.
Các giai đoạn lịch sử :
Năm 1742 lại được đổi thành phủ Diên Ninh - thành Diên Khánh
Năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn khởi binh đánh bại quân chúa Nguyễn, mở rộng căn cứ ở Bình Định, rồi tiến vào phía Nam, chiếm thành Diên Khánh dùng làm lỵ sở của dinh Bình Khang.
Năm 1774, Nguyễn Ánh sai Tống Phúc Hiệp và Nguyễn Khoa Thuyên từ Gia Định theo hai đường thủy bộ tiến ra đánh Bình Khang, nghĩa quân Tây Sơn rút về giữ phần đất Phú Yên và Bình Định.
Sau những tranh chấp liên tục giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân của chúa Trịnh, chúa Nguyễn, tháng 5 năm 1775 quân Trịnh tiến quân vào Quảng Nam trực tiếp uy hiếp nghĩa quân Tây Sơn ở phía Bắc. Thấy vậy, Nguyễn Ánh sai Tống Phúc Hiệp tiến ra đanh chiếm Phú Yên, kéo hơn sáu vạn quân ra Vũng Lấm - Xuân Đài, áp sát Quy Nhơn.
Nghĩa quân Tây Sơn bị ép vào giữa hai gọng kìm và đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt. Khai thác mâu thuẫn giữa quân Trịnh - Nguyễn, với mưu lược và thiên tài quân sự của mình, Nguyễn Huệ đã đánh tan lực lượng quân Nguyễn do Tống Phúc Hiệp chỉ huy và liên tiếp tiêu diệt hai đạo quân Nguyễn Ánh tung ra phản công. Chiến thắng vang dội của Nguyễn Huệ không chỉ chiếm lại Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh và mở rộng vùng kiểm soát vào tận Bình Thuận mà còn tạo uy thế cho nghĩa quân, góp phần đẩy lùi quân Chúa Trịnh về Bắc. Phần đất Diên Khánh lại trở về với nghĩa quân Tây Sơn. Tháng 5 năm 1781, Nguyễn Ánh lại cho ba đạo quân tiến ra hướng Bình Khang. Nghĩa quân Tây Sơn đã tung đội tượng binh hùng mạnh vào chiến đấu, quân Nguyễn tháo chạy tán loạn. Âm mưu chiếm lại Diên Khánh của Nguyễn Ánh bị đập tan.
Năm 1792, Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần.
Năm 1792, nhà Tây Sơn phái tướng Trần Quang Diệu đem quân vào tiến công thành Diên Khánh. Quân phòng thành của chúa Nguyễn do Hoàng tử Cảnh chỉ huy bị vây hãm vô cùng khốn đốn. Thấy nguy cơ bị tiêu diệt, Hoàng tử Cảnh phải cầu viện Nguyễn Ánh cho quân từ Gia Định ra giải vây. Quân Tây Sơn do Trần Quang Diệu chỉ huy lại đem đại quân vào quyết hạ thành Diên Khánh. Lúc này Võ Tánh chỉ huy quân Nguyễn đã cho thủy quân ra chặn đánh ngay trên bến Trường Cá. Nhưng lực lượng thủy binh hùng mạnh và thiện chiến của Tây Sơn đã đánh bại quân Nguyễn. Trần Quang Diệu thúc quân vây hãm thành Diên Khánh, hai bên giằng co quyết liệt nên một lần nữa Nguyễn Ánh phải điều quân ra giải vây.
Thời gian này nội bộ nhà Tây Sơn có nhiều rối ren. Thái sư Bùi Đắc Trung (cha đẻ của nữ tướng Bùi Thị Xuân và là cha vợ tướng Trần Quang Diệu) bị Vũ Văn Dũng giết. Trần Quang Diệu cho rút quân về Phú Xuân. Thành Diên Khánh vẫn nằm trong tay quân Nguyễn và trở thành lỵ sở của phong kiến nhà Nguyễn tại dinh Bình Khang. Sau đó dinh Bình Khang đổi ra Bình Hòa rồi Khánh Hòa.
Vào năm Qúy Sửu (1793),sau khi đánh thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng Diên Khánh thành một căn cứ vững chắc một công trình mang tính phòng thủ từ xa vừa là trụ sở mang tính chính trị. Thành Diên Khánh chính thức xuất hiện từ đó .
Thành Diên Khánh là một quần thể kiến trúc mang phong cách “vau ban” , kiểu thành trì quân sự phổ biến ở châu Âu từ thế kỷ VII đến thế kỷ VIII.Thành nằm trên một vùng núi cao thuoc điạ phận khóm Đông Môn - thị trấn Diên Khánh chung quanh đắp đất với tổng diện tích khoảng 36.000 m2. Tường thành hình lục giác dài 2.693 mét, sáu cạnh không đều nhau.
Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia ra nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn bảo đảm quan sát được hai bên. Tường thành đắp đất cao chừng 3,5 mét, mặt ngoài tường thành hơi dựng đứng. Mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo một đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Tại các góc:
- Về phía trong là một bãi đất khá rộng dùng làm nơi trú quân.
- Trên mặt thành là pháo đài góc, đắp bằng đất, cao khoảng 2 mét (công sự đặt đại bác).
- Bên ngoài góc được đắp hơi nhô ra có thể quan sát cả hai bên.
Trên tường thành được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác vừa giữ độ bền cho tường thành vừa tăng chướng ngại cho đối phương như một hàng rào phòng ngự.
Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng từ 3 mét đến 4 mét, có đoạn sâu tới 5 mét. Bề rộng mặt hào cũng không đều nhau, tại các góc thành thường hẹp hơn (chừng 15 mét) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng 40 mét, lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào. Bên ngoài hào nước đắp một đường đi - gọi là đường ngoài hào để tuần tra, vận chuyển, nhân dân gọi là đường quan phòng.
Đặc biệt, mặt Bắc thành giáp sông Cái thường bị xói mòn vào mùa mưa lụt do nước thượng nguồn tràn về, dâng cao, chảy xiết nên những người xây thành đã trồng nhiều cây gỗ sao - một loại cây có khả năng giữ đất chống xói mòn, sụt lở. Sao trồng thành hàng dày, nên nhân dân thường gọi là Hàng Sao. Sau đó, sao phát triển thành bãi chi chít và tới nay bị hủy hoại nhiều chẳng còn mấy nhưng tên Hàng Sao vẫn giữ nguyên.
Tên Hàng Sao không phai mờ trong lòng dân, khắc sâu vào tình cảm của mỗi người, lưu truyền qua bao thế hệ vì nơi đây bọn quan quân phong kiến và bọn ngoại bang cướp nước đã giết hại những người dân yêu nước, những chiến sĩ trong phong trào Cần Vương và đồng bào, đồng chí hoạt động cách mạng từ khi Đảng ta ra đời đến ngày toàn thắng 1975.
Khi xây dựng xong (1793) thành Diên Khánh có sáu cửa, sáu cạnh tường thành. Hiện nay chỉ còn lại bốn cửa: Đông, Tây, Tiền (Nam), Hậu (Bắc). Năm 1823, cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp, tới nay không còn dấu vết gì, tuy vậy ta có thể dự đoán hai cổng cũng nằm trên hai cạnh tường thành Tây Nam và Đông Nam.
Cổng thành là một công trình kiến trúc khối vuông vững chãi, xây bằng gạch nung cỡ 4,5 cm x 1,38 cm gồm hai tầng: tầng dưới gắn liền với tường thành, mặt ngoài rộng 16,8 mét, cao 4,5 mét, xây thẳng đứng, mặt trong xây tường gạch cao khoảng 2 mét, cách mặt ngoài 2,5mét để lèn đất vào giữa. Cổng vào ra rộng 3,2 mét, xây gạch kiểu vòm cuốn hình quả chuông, đỉnh cao nhất khoảng 3,5 mét, cánh cổng bằng gỗ lim dày. Mặt tường trong xây cấp bậc bằng gạch, rộng hơn 2 mét làm lối đi lên tầng trên. Tầng trên cao ngang mặt thành, hình tứ giác mỗi chiều 1,5 mét, cao gần 2 mét, xây cổ lầu mái uốn cong, lợp ngói âm dương. Hai bên xây ban công cao gần 1 mét. Đây có thể là nơi canh gác, quan sát trong, ngoài thành. Toàn bộ cổng thành không trang trí, tên cổng ghi bằng chữ Hán. Nhìn tổng thể, cổng thành mang dáng vẽ kiến trúc Á Đông thời ấy. Hiện nay, chỉ hai cổng Đông và Tây còn trọn vẹn.
Theo các tư liệu lưu trữ và dấu tích còn sót lại, bên trong vòng thành có nhiều công trình kiến trúc độc đáo: qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam) dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần là một cột cờ lớn. Sau cột cờ là hoàng cung - công trình có quy mô lớn nhất so với các công trình khác. Hoàng cung xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế, gồm ba gian rộng chừng 40 mét, xung quanh có hành lang rộng rãi, thoáng mát. Cột kèo được chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phần trên có cổ lầu, các mái và guột mái uốn cong thanh thoát. Trên nóc gắn hai con rồng chầu một quả cầu lớn.
Trước hoàng cung là một sân gạch lớn - gọi là sân chầu - nơi các quan văn võ trong tỉnh đứng chầu khi có lễ lớn. Vị trí đứng được ghi vào cái bảng gỗ, đặt thành hai hàng hai bên, theo thứ tự từ cửu phẩm lên nhất phẩm. Giữa hoàng cung đặt một bệ gỗ lớn 3 tầng, mỗi tầng cao hơn 0,2 mét. Trên cùng đặt một ngai vàng.
Bên trái hoàng cung là dinh Tuần vũ, sau đó là dinh Án sát, và sau nữa là dinh Lãnh binh, phía dưới là dinh quan Tham tri.
Ngoài các dinh thự của các quan cai trị, trong thành còn có một dãy nhà kho đồ sộ chiếm hàng ngàn mét vuông và một nhà lao xây tường đá cao kiên cố. Tất cả các mái nhà đều lợp ngói âm dương.
Từ khi xây xong cho đến cuối thơì pháp thuộc thành Diên Khánh là nơi đóng các cơ quan đầu não cuả cơ quan triều Nguyễn và là trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị cuả điạ phương. Trong phong trào Cần Vương (1885 - 1886) thành là tổng hành dinh của nghĩa quân vùng Khánh Hoà, Pháp đã nhiều lần nã pháo vào thành. Khi chiếm được thực dân Pháp cho san bằng hai mặt Bắc – Nam.
Thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) thành Diên Khánh lại trở thành trụ sở bộ tư lệnh, quân dân Nha Trang - Diên Khánh đã phối hợp với nhau đã đánh thắng nhiều trận giòn giã trong cuộc chiến đấu 101 ngày đêm lịch sử từ cầu mới Nha Trang đến thành Diên Khánh. Từ năm 1975 đến nay thành Diên Khánh trở thành trụ sở cuả lãnh đạo huyện Diên Khánh
Xem thêm: Mẹo bổ ích
Nguồn: http://nhatrangtravel.com.vn/thanh-co-dien-khanh-nha-trang-khanh-hoa-18.html