Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính cá nhân chuẩn Bạn có đang trong tình trạng thâm hụt ngân sách? Làm thế nào để năng cao năng lực quản lý tài chính cá nhân để bạn thoát khỏi tình trạng này? Làm gì để tận dụng cơ hội khi tiền đến, lập kế hoạch ra sao.
Hướng dẫn lập kế hoạch tài chính cá nhân chuẩn
Trong điều kiện thông thường, bạn hãy nhớ một nguyên tắc đơn giản để thiết lập ngân sách cho mình là: Số tiền tiêu phải ít hơn số tiền kiếm được.
Hãy coi việc quản lý tài chính cá nhân như công việc của một nhà quản lý, khi đó, bạn sẽ có động lực để hoàn thành các mục tiêu nhiều hơn và chủ động đưa ra danh sách những khoản chi cần được cắt giảm, những khoản chi không cần thiết (có thể tưởng tượng rằng mình là một giám đốc và đang duyệt ngân sách thực hiện cho nhân viên).
Mục đích cần đạt được khi thực hiện việc lập ngân sách này là các khoản chi tiêu phải được quản lý hiệu quả mỗi ngày. Sau đây là các bước thực hiện:
Bước 1: Nhìn tổng quát và khách quan việc chi tiêu của bạn
Đây là một bước quan trọng đầu tiên đòi hỏi bạn phải nghiêm túc và thành thật với chính mình. Từ đây, bạn có được cái nhìn khái quát để biết mình có những khoản chi nào, số tiền dành cho chúng nhiều hay ít, các khoản chi này có hợp lý hay chưa.
Bạn có thể dùng một quyển sổ hoặc các phần mềm quản lý tài chính cá nhân đơn giản đây là phần mềm quản lý chi tiêu cực kỳ đơn giản và tiện ích - bạn nhập các thông tin tiêu xài hằng ngày của mình để theo dõi. Vào cuối mỗi ngày hoặc mỗi tuần bạn dành một ít thời gian của mình để đánh giá nhanh việc chi tiêu của chính mình.
Nếu bạn thường dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ để thanh toán thì hãy sử dụng các số liệu mà ngân hàng và yêu cầu họ báo cáo cho bạn hằng tháng.
Khi thực hiện đánh giá, bạn hãy lưu ý những khoản chi chiếm nhiều tiền của mình và làm nổi bật chúng lên. Lợi ích của việc này là bạn có thể dễ dàng nhận ra những khoản chi “vung tay quá trán” của mình và đưa ra giải pháp cho mình để giảm lại số tiền chi.
Bước 2: Lập kế hoạch về những khoản mua sắm sắp tới của bạn
Hãy lập danh sách cho những thứ mà bạn nghĩ mình sẽ mua trong vòng 3-6 tháng tới, bao gồm những chi tiêu thông thường như mua xe, ti vi, máy giặt, du lịch,... cho đến những khoản chi có liên quan đến tài chính, đầu tư như gửi tiết kiệm, thanh toán thẻ tín dụng,... và những khoản chi khẩn cấp.
Tương tự, bạn cũng liệt kê những khoản chi quan trọng trong vòng 3-5 năm tới cho mình trong kế hoạch dài hạn. Danh sách này sẽ giúp bạn dễ dàng đưa ra các quyết định ưu tiên khi mua sắm cũng như giúp bạn đạt được mục tiêu tài chính của mình, nhất là khi ngân sách của bạn là có giới hạn.
Ngoài ra, có một cách lập danh sách cũng khá thú vị. Về nội dung chính vẫn là các dự định mua sắm trong tương lai của bạn nhưng sẽ được phân loại thành nhóm:
- Nhóm những khoản mua sắm có ảnh hưởng tích cực đến cảm xúc của bạn trong dài hạn, ngắn hạn
- Nhóm những khoản mua sắm có thể giúp cải thiện chất lượng sống của bạn (có thể trong 3, 5, 10 năm hoặc hơn)
Việc lập danh sách theo kiểu này cũng giúp bạn giảm bớt cảm giác buồn chán trong khi lập kế hoạch chi tiêu của mình và có thể tạo động lực cho những khoản cần tiết kiệm của bạn!
Bước 3: Phân loại các khoản chi tiêu của bạn
Bước này giúp bạn cân đối và dự tính được “ngân sách” cho các nhóm chi tiêu của mình. Bạn hãy nhìn tổng quát việc chi tiêu của mình và sắp xếp các khoản chi đó vào từng nhóm và phân bổ lượng tiền cần cho từng nhóm đó là bao nhiêu phần trăm.
Tuỳ vào nhu cầu chi tiêu của mỗi người mà các nhóm này sẽ khác nhau. Ở đây, xin chia sẻ một cách phân loại nhóm chi tiêu:
- Nhóm tiết kiệm: chi cho các sở thích, nhu cầu cá nhân ở tương lai hoặc các khoản chi theo thời hạn như tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng, tiền để dành cho các khoá học, tiền đi du lịch, tiền mua nhà, tiền trả nợ vay, tiền mừng cưới,...
- Nhóm đầu tư: thực hiện chi cho mục đích kinh doanh “tiền sinh tiền” như tiền vốn kinh doanh, tiền chi cho các quỹ đầu tư..
- Nhóm dự phòng: chi cho các khoản phát sinh bất ngờ không mong muốn như tiền sửa xe, tiền khám bệnh, tiền làm giấy tờ,...
- Nhóm thường ngày: chi cho những vật dụng hằng ngày như áo quần, ăn uống, vật dụng nhỏ trong gia đình, đi cafe, giải trí, các hoá đơn hàng tháng,...
Bước 4: Lập một tài khoản tiết kiệm
Dù đã rất cố gắng nhưng một khi bạn biết rõ mình cất tiền ở đâu, có chìa khoá hoặc là người đưa ra quy định cho tài khoản đó thì bạn vẫn không thể kiềm chế mình lấy khoản tiền đó để mua sắm. Khi đó, bạn hãy nghĩ đến một người nguyên tắc, nghiêm khắc đáng tin cậy nào đó hoặc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tiết kiệm thông minh của ngân hàng để họ giúp bạn cất giữ số tiền đó.
Bước 5: Ngừng những chi tiêu quá trớn của bạn
Sau khi bạn đã có danh sách đã phân loại những khoản chi của mình và phân bổ kinh phí cho từng khoản đó, thì bạn có thể áp dụng thử mẹo đơn giản sau đây để việc chi tiêu của mình thêm hiệu quả. Giả sử bạn có 4 nhóm phân loại như trên: tiết kiệm, đầu tư, dự phòng và thường ngày thì bạn cần 4 chiếc phong bì. Trên mỗi phong bì, bạn ghi thật to và rõ tên từng nhóm một.
Sau đó, bạn bỏ vào đó số tiền mà bạn phân bổ cho mình trong một tháng. (nếu bạn khéo tay, bạn có thể trang trí những biểu tượng icon dễ thương hoặc có liên quan đến tên gọi của các nhóm phân loại cho phong bì thêm xinh xắn)
Riêng với nhóm thường ngày, bạn có thể chia nhỏ thêm lần nữa thành các nhóm với số tiền ứng trong 1 tháng hoặc theo từng tuần:
- Làm đẹp (mỹ phẩm, quần áo, phụ kiện);
- Thực phẩm;
- Hoá đơn (điện thoại, internet, điện, nước, tiền an ninh, vệ sinh...);
- Giải trí (cafe, xem phim, kịch, nhạc, sách);
- Khác
Với hai nhóm đầu tư và tiết kiệm, nếu bạn không “tin tưởng” bản thân mình, bạn có thế lập tài khoản cho mình như ở bước 4.
Sau khi đọc xong những bước trên, điều bạn cần làm là bắt tay thực hành sớm nhất có thể và quyết tâm thực hiện tới cùng (hoặc có cam kết tương tự với bất kỳ phương pháp quản lý tài chính nào mà bạn cảm thấy hiệu quả và phù hợp với mình).
Suy đi ngẫm lại, để khi quản lý tài chính của mình thành công thật ra không quá khó nhưng cũng không hẳn dễ. Lời khuyên chỉ là bạn hãy: tuân thủ nguyên tắc (có thể linh hoạt), quyết tâm, không trì hoãn, không nuông chiều bản thân và cảm xúc bốc đồng của mình.
>> Xem thêm: Vay tài chính
10 lỗi cần tránh khi lập bản ngân sách
Dù bạn có mức sống cơ bản hay sở hữu một tài sản kha khá thì bản ngân sách vẫn là công cụ quản lý tài chính không thể thiếu.
Không có một phương pháp tuyệt đối nào để bạn quản lý tiền bạc của mình. Một số người thích ghi lại tất cả các khoản thu chi, trong khi số khác lại sử dụng các phần mềm hỗ trợ. Điều quan trọng không phải là phương pháp bạn lựa chọn mà là cách thức bạn duy trì nó.
Bản ngân sách là công cụ không thể thiếu trong quản lý tài chính.
Để đảm bảo bản ngân sách của bạn thực hiện đúng chức năng của nó, hãy thận trọng trước những sai lầm sau đây:
1. Không lên kế hoạch
Nếu bạn không có một khái niệm gì về kế hoạch tài chính và cũng chẳng bao giờ thèm ghi chép các khoản thu chi, bạn sẽ không thể nắm được tình hình tài chính của mình. Làm sao bạn dám chắc rằng mình đang kiếm đủ tiền tiêu? Nếu bạn không kiểm soát được đồng tiền, nó sẽ quay lại kiểm soát bạn bằng những vũ khí như nợ nần, lãi suất, và nhiều hệ lụy khác.
2. Suy nghĩ ngắn hạn
Lập ngân sách theo tháng là cách khởi đầu tốt, nhưng bạn khó có thể tính đến các chi phí không thường xuyên theo cách này. Hãy nhìn xa ít nhất là một năm và lên kế hoạch cho những thứ cần chi một lần như đi nghỉ, quà sinh nhật… để tránh bị kẹt tiền trong những dịp đặc biệt.
3. Không thực tế
Nếu bản ngân sách dự kiến của bạn chẳng bao giờ bắt kịp với thực tế thì không có lý do gì bạn phải tiếp tục theo đuổi nó.
Để giữ tính khả thi của ngân sách, hãy bắt đầu bằng việc ước lượng chi phí của tháng tới. Sau đó, theo dõi cách chi tiêu thực sự của mình và so sánh với dự đoán vào cuối tháng. Bằng cách này, bạn sẽ nắm được việc chi tiêu của mình nhằm có dự tính tốt hơn cho tháng sau.
4. Tiêu nhiều tiền hơn thu nhập
Đây có vẻ như một lỗi sai hiển nhiên nhưng không ít người mắc phải.
5. Tiết kiệm qua ít
Bạn nên đặt ưu tiên hàng đầu cho mục này thay vì đẩy nó xuống cuối cùng. Nhiều chuyên gia cho rằng 10% là tỉ lệ tiết kiệm hợp lý. Một khi đã chọn được mức tiết kiệm phù hợp, hãy kiên trì với nó. Nếu khả thi, bạn nên đặt lệnh chuyển tiền tự động từ tài khoản lương sang tài khoản tiết kiệm.
6. Không có quỹ dự phòng
Bên cạnh quỹ tiết kiệm, bạn nên có một khoản dự phòng để chuẩn bị cho trương hợp xấu như mất việc, ốm đau. Cũng giống như mục tiết kiệm, mục này nên được coi như một điều kiện bắt buộc chứ không phải nơi bạn dồn tiền thừa vào.
7. Ngân sách quá chi tiết
Nếu bạn là một “chuyên gia” ngân sách và bị ám ảnh bởi chi tiết, hãy thận trọng! Rất nhiều người lập ra một bản ngân sách vô cùng cụ thể rồi lại vứt nó vào một xó. Mỗi cá nhân cần một mức độ chi tiết khác nhau, nếu bạn là người mới bắt đầu, hãy khởi động với một bản ngân sách đơn giản.
8. Phụ thuộc hoàn toàn vào báo cáo của ngân hàng
Đừng nghĩ rằng những gì ghi trên báo cáo của ngân hàng hay hóa đơn tín dụng là chính xác 100%. Các ngân hàng cũng mắc lỗi sai, vì vậy, hãy kiểm tra lại các hóa đơn trước khi thanh toán.
9. Không bao giờ điều chỉnh kế hoạch
Tình hình tài chính của bạn có thể thay đổi. Hãy giữ ngân sách của bạn thường xuyên được cập nhật mỗi khi có thêm nguồn thu nhập mới hoặc khoản chi mới. Bạn cũng nên giữ lại những bản ngân sách cũ để có cơ hội đối chiếu.
10. Không tính đến lãi suất
Lờ đi lãi suất trên thẻ tín dụng là một lỗi sai nguy hiểm. Bạn không cần phải viết ra chính xác con số mà mình phải thanh toán nhưng đừng nhất thiết phải có một ước tính cụ thể. Việc này sẽ cho phép bạn kiểm soát được cái giá phải trả của sự nợ nần và đề phòng trường hợp lãi mẹ đẻ lãi con.
Nguồn : http://vaytaichinh.com/kinh-nghiem-lap-ke-hoach-tai-chinh-ca-nhan-115.html